Thời gian làm việc 8h - 17h từ Thứ 2 đến thứ 7 - Hotline: 0963466651

ẨN SỐ THỊ TRƯỜNG Ô TÔ CUỐI NĂM

9 tháng năm 2016, thị trường ô tô Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao, tăng 31% so với năm trước. Với đà này, cùng với thông lệ những tháng cuối năm sẽ là “mùa bán xe”, dự đoán cả năm 2016 thị trường ô tô sẽ đạt tốc độ tăng trưởng rất cao. Nhưng thực tế cho thấy hoạt động kinh doanh, sản xuất ô tô, nhất là ở mảng nhập khẩu đang phải chịu nhiều áp lực. Do vậy kết quả tăng trưởng ô tô năm 2016, tuy chỉ còn thời gian ngắn, nhưng sẽ là ẩn số.
 >> Kim ngạch nhập khẩu ô tô tiếp tục đà giảm

Ô tô nhập khẩu: Đang rối?

Một sự kiện được nhiều người quan tâm, trước thềm Triển lãm Ô tô quốc tế Việt Nam năm 2016 (VIMS 2016), có tới 3 thương hiệu ô tô nhập khẩu (NK) thông báo “rời bỏ cuộc chơi”. Có thể nói đây là quyết định khó khăn và “cực chẳng đã” của doanh nghiệp, bởi đây là sự kiện quan trọng của thị trường ô tô Việt Nam. Các thương hiệu đều có sự chuẩn bị rất kỹ cho việc tham gia cuộc chơi lớn này, chi phí cũng đã bỏ ra không nhỏ.

Lý do không tham gia VIMS 2016 của Rolls-Royce là “Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn do sự thay đổi của chính sách, trong đó có việc Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tăng mạnh đối với dòng xe có dung tích xi lanh lớn”; còn với Jaguar và Land Rover là “Do có sự thay đổi đột xuất trong cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo nội bộ Jaguar Land Rover Việt Nam (Công ty Cổ phần Ô tô UK)”.

Việc có hay không tham gia triển lãm, vốn là việc bình thường, nhưng việc “bỏ” cuộc chơi của 3 thương hiệu nói trên lại cho thấy sự bất ổn, khó khăn của các các doanh nghiệp NK ô tô hiện nay. Đây là một thực tế.

Sau 2 năm liên tiếp có sức tăng rất mạnh cả về lượng và trị giá, 9 tháng đầu năm 2016, hoạt động NK ô tô nguyên chiếc của nước ta có dấu hiệu đi xuống cả về lượng và trị giá. Cụ thể theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2014, cả nước NK 70.956 xe nguyên chiếc (tăng tới 102% so với năm 2013), trị giá kim ngạch đạt 1,581 tỷ USD (tăng gần 119%). Năm 2015, hoạt động NK ô tô vẫn duy trì đà tăng trưởng cao với 125.534 xe nguyên chiếc được nhập về (tăng 77% so với năm 2014), giá trị kim ngạch đạt 2,99 tỷ USD (tăng 88,6%). Nhưng tính hết tháng 9 năm nay, lượng ô tô NK giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2015 (chỉ đạt 77.515 xe), và giảm 16,9% về trị giá (đạt 1,75 tỷ USD).

Điều này trái với nhận định NK ô tô nguyên chiếc sẽ ngày một tăng bởi thuế NK xe nguyên chiếc trong khu vực đang giảm theo cam kết (năm 2016, thuế NK ô tô trong khu vực ASEAN giảm từ 50% của năm 2015 xuống 40%; năm 2017 xuống 30%; 2018 xuống 0%).

Thực tế năm 2016, các DN NK ô tô nguyên chiếc phải chịu khá nhiều áp lực. Sự thay đổi trong chính sách quản lý khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh.

Từ 1-1-2016, theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TTĐB và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB thì cách tính giá tính thuế TTĐB đối với ô tô NK thay đổi. Cụ thể thay vì tính trên giá CIF cộng với thuế NK, giá tính thuế TTĐB sẽ được tính trên giá bán buôn (bao gồm giá CIF, thuế NK và một số loại chí phí khác của doanh nghiệp như vận chuyển, kho bãi, chi phí marketing và quảng cáo, thậm chí cả một phần lợi nhuận của nhà NK…). Với cách tính giá tính thuế mới, giá bán lẻ của ô tô NK bị tăng cao so với trước.

Tác động lớn tiếp theo đó là theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB, GTGT, Luật Quản lý Thuế, từ 1-7 Thuế TTĐB đối với các dòng xe có dung tích xi lanh lớn tăng rất cao. Cụ thể: Xe 2.5L đến 3.0L thuế TTĐB là 55%; từ 3.0L đến 4.0L áp mức 90%; từ 4.0L đến 5.0L áp mức 110%; từ 5.0L đến 6.0L áp mức 130% và trên 6.0L áp mức 150%. Sự điều chỉnh tăng cao này đã tác động mạnh đến giá bán xe, nhất là những dòng xe sang, có dung tích xi lanh lớn.

Tiếp đến một văn bản có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh, NK ô tô tại Việt Nam, Thông tư 20/2011/TT/BTC, sẽ hết hiệu lực từ 1-9-2016. Tuy nhiên những tranh cãi xung quanh các quy định tại thông tư này hiện vẫn chưa đi đến hồi kết và sự chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quản lý khác liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, NK ô tô khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hoạch định chính sách. Nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng “chờ” chính sách “quyết” sao để tính.

Đó là chưa nói đến để ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh NK ô tô, các cơ quan quản lý, trong đó có Hải quan đã điều chỉnh, bổ sung giá tính thuế ô tô sao cho sát với thực tế hơn. Và hiện Bộ Tài chính cũng đang triển khai đoàn thanh tra để kiểm tra toàn diện công tác NK ô tô trong 5 năm qua (1-1-2011 đến hết ngày 30-9-2016).

Sản xuất trong nước: Nghe ngóng

Năm 2016, bên cạnh một số ít doanh nghiệp công bố các kế hoạch đầu tư sản xuất ô tô như Trường Hải, Huyndai Thành Công, Mercedess-Benz Việt Nam thì hầu hết các doanh nghiệp khác đang nghe ngóng và có dự định “chuyển hướng” tăng lượng xe NK nguyên chiếc. Triển lãm ô tô Việt Nam – VMS 2016 do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức vừa qua là một minh chứng cho sự chuyển dịch này, khi chỉ có mẫu KIA Optima (của Thaco) là xe lắp ráp trong nước; còn lại, toàn bộ các mẫu xe mới được giới thiệu đều là xe NK nguyên chiếc từ Thái Lan, Nhật Bản…

Đơn cử như “át chủ bài” của các “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ô tô tại Việt Nam như Toyota Việt Nam là Fortuner 2017, Hilux 2017; Ford Việt Nam là Explorer, Ranger; GM Việt Nam là Colorado 2017 mới, Trax 2017; Honda Việt Nam là Civic mới… Đây đều là các mẫu xe NK nguyên chiếc đến từ các nước trong khu vực.

Thực tế này cho thấy các nhà sản xuất ô tô lớn trong nước đều đang “tính” đến xu thế thuế NK trong khu vực giảm nhanh (xuống 0% vào năm 2018) để đưa ra kế hoạch kinh doanh của mình tại Việt Nam vào thời gian tới. Việc đầu tư sản xuất đang được các liên doanh này đắn đo, cân nhắc rất kỹ, trong khi những mẫu sản phẩm nguyên chiếc NK trong khu vực đều đang được “nhắm” sẵn chờ thời điểm thuế giảm là đưa vào Việt Nam.

Mặc dù lượng và giá trị NK ô tô 9 tháng qua giảm (do sự thay đổi và chưa rõ ràng của các chính sách quản lý), nhưng ở một góc độ thống kê khác lại cho thấy xu thế NK sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Số liệu công bố của nhà sản xuất và phân phối Hyundai Thành Công cho biết 9 tháng năm 2016 Hyudai Thành Công tiêu thụ đạt 25.000 chiếc, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này Hyundai Thành Công vươn lên giữ vị trí thứ 2 về sản lượng bán hàng tại thị trường ô tô du lịch Việt Nam (sau Toyota với 39.000 chiếc; Thaco với Mazda và Kia đạt 23.000 xe đứng thứ 3), vượt xa tất cả các thương hiệu còn lại.

Và kết quả này của Hyundai Thành Công phần lớn “trông” vào các mẫu xe NK chứ không phải 2 mẫu xe lắp ráp trong nước.

Thị trường cuối năm: Khó định đoán

9 tháng đầu năm 2016 thị trường ô tô Việt Nam đạt mức tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao so với dự đoán đầu năm, tuy nhiên kết quả này có tiếp tục được duy trì trong những tháng cuối năm hay không thì lại là một câu hỏi khó dự đoán.

Thị trường ô tô đang vào mùa tiêu thụ cuối năm, cùng với đó là 2 triển lãm lớn cùng diễn ra trong tháng 10, song các doanh nghiệp đều có tâm trạng lo lắng cho doanh số cuối năm.

2 cuộc triển lãm, mặc dù được đầu tư không ít tiền của với hàng trăm mẫu xe được mang đến bày bán nhằm kích cầu thị trường song năm nay kết quả tiêu thụ cũng không dễ đạt được như mong muốn. VMS 2016 đã kết thúc, song thông tin về kết quả bán hàng (vốn thường được công khai như là một kết quả đạt được) đã không được VAMA công bố. Một trong những lý do quan trọng là số lượng tiêu thụ sản phẩm không bằng năm trước.

VIMS 2016 sắp diễn ra, cũng hướng trực tiếp tới người mua, với quy mô lớn hơn, tập trung phần lớn các thương hiệu xe hạng sang như Audi, BMW, Mercedes, Porsche… nhưng với sự rút lui của 3 thương hiệu, sự “vội” công bố giảm giá khủng của Renault cho thấy những dòng xe tiền tỷ (vốn vừa bị tăng giá do thay đổi cách tính giá tính thuế và mức thuế TTĐB) sẽ không dễ dàng đạt được số lượng như mong muốn.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện các hãng đều tỏ ra khá thận trọng khi đưa con số dự báo về tăng trưởng ô tô quý cuối của năm, cũng như kết quả cả năm 2016.

Sự chưa thống nhất, ổn định về chính sách khiến doanh nghiệp hoang mang cũng như tâm lý “ngóng chờ” xe rẻ do giảm thuế NK của người tiêu dùng cho thấy không có nhiều lạc quan cho doanh số tiêu thụ của thị trường ô tô cuối năm 2016.